Jump to content


Tam Bach

Member Since 22 Sep 2013
Offline Last Active Jun 24 2014 07:20 AM
*****

Posts I've Made

In Topic: Thiền và quan sát

24 June 2014 - 05:05 AM

Achaan:         Vậy thì chúng ta cần phải hiểu một cách rất kỹ lưỡng, thế nào là thiền?

 

Vị sư 1:          Đó là cái hiểu biết về bất cứ cái gì đang xuất hiện

 

Achaan:         Cái hiểu thì hiểu cái xuất hiện hiện giờ. Khi chúng ta nghe Pháp, không phải ai cũng hiểu, nhưng ở khoảnh khắc hiểu thì đó là trí tuệ sinh khởi, không phải là đang hành thiền. Nghe thì chỉ là nghe thôi, không phải là hành thiền đúng không? Vậy thiền là gì nào? Nếu như chúng ta không biết ý nghĩa của từ ấy mà chúng ta sử dụng thì làm sao ta có thể hiểu được đây?

Giống như cái thấy, chúng ta dùng từ cái thấy nhưng cái thấy là gì? Tương tự như vậy, thiền là gì? Khi nói đến cái thấy là ta nói đến khoảnh khắc kinh nghiệm cái được thấy, vậy thì thiền là gì nào?

 

Học viên 12: Ở trong Kinh, Đức Phật có nhắc nhiều lần về bốn  chi thiền , đó là những trạng thái rất cao của các thiện tâm và sự hiểu biết, có tầm có tứ.

 

Achaan:         Tầm-vitakka là gì? Chúng ta nói đến thiền, đến tầm thì phải hiểu từng thứ một, cũng như là hiểu về cái thấy vậy.

 

HV 12:           Tâm sở tầm chạm vào đối tượng.

 

Achaan:         Chạm à? Vậy bây giờ tôi sẽ nói thêm một chút: ngay sau khoảnh khắc của cái thấy thì đã có tâm sở tầm sinh khởi rồi (chứ không phải chỉ trong thiền chứng –ND)

 

HV 12:           Mọi tâm đều sinh khởi cùng bảy biến hành tâm sở.

 

Achaan:         Trong bảy tâm sở đó thì có bao gồm tầm hay không?

 

HV 12:           Không.

 

Achaan:         Ở khoảnh khắc của cái thấy thì chỉ có cái thấy kinh nghiệm đối tượng, chỉ có một khoảnh khắc như vậy thôi, và nó rất khác với các khoảnh khắc khác, vì đó là khoảnh khắc chính xác của sự thấy, sau đấy nó diệt đi, tâm tiếp theo sau nó sinh khởi với tầm chạm vào đối tượng. Ở khoảnh khắc của cái thấy, rất khó có thể thấy được cái thấy là vô ngã. Kể cả khi bây giờ cái thấy đang thấy, làm sao có thể hiểu được trực tiếp về bảy tâm sở sinh khởi cùng với cái thấy đây? Trong bảy biến hành tâm sở có tâm sở xúc, vậy liệu có thể có cái hiểu về tâm thấy hay về những tâm sở đồng sinh với tâm ấy hay chưa? Những lời dạy về các tâm và tâm sở đều để chỉ cho chúng ta rằng, không có một cái ngã nào ở trong đó cả, chỉ có tâm, tâm sở và sắc mà thôi. Và khi tuệ giác sinh khởi, nó có thể lấy bất cứ cái gì làm đối tượng, hoàn toàn không có sự chuẩn bị nào hết, hiện giờ cái thấy có là đối tượng của hiểu biết trực tiếp hay không?

 

HV 12:           Như Bà vừa nói, tâm và tâm sở Đức Phật có dạy và mình có nghe có học thì cũng chỉ là để hiểu thôi, chứ kinh nghiệm thì rất là khó. Chính vì thế con có nói là cần có sự hỗ trợ của định.

 

Achaan:         Có thể có cái hiểu về câu chuyện về các thực tại, nhưng chưa thể có cái hiểu biết trực tiếp về thực tại là cái thấy. Hiện giờ, chúng ta đang nói về tâm sở tầm thì cần phải hiểu thêm về tâm sở tầm là gì. Nó không phải là một ai đấy mà là một thực tại. Đó là một thực tại, là một trong các tâm sở sinh khởi cùng với các tâm. Hiện giờ có tầm không? Nếu không có tâm nào thì sẽ không có cái thấy, nghe ,ngửi. Đức Phật dạy nhiều về các thực tại như vậy là để thấy rằng không có tự ngã nào trong đó. Các tâm sở tầm sinh khởi sau khoảnh khắc của cái thấy, cái nghe có thể là vipaka-quả hoặc có thể là thiện hay bất thiện hoặc duy tác. Ở khoảnh khắc của suy nghĩ thì có tầm không?

 

HV 12:           Có ạ.

 

Achaan:         Nó có thể nghĩ về bất cứ thứ gì đúng không? Một cách đúng đắn hay là sai lầm? Làm thế nào để ta biết được nó nghĩ được một cách đúng đắn hay sai lầm đây?

 

HV 12:           Nhờ có hiểu biết đúng

 

Achaan:         Nếu như không có hiểu biết đúng thì sẽ không thể có tâm sở tầm là thiện. Ở khoảnh khắc của sự suy nghĩ, tâm sở xúc tiếp xúc với đối tượng và tâm sở tầm chạm vào đối tượng ấy. Hiện giờ tâm sở tầm có chạm vào cái thấy không?

 

Nếu không có trí tuệ thì liệu tầm có thể chạm vào thực tại là cái thấy không? Chánh tư duy (chi thứ hai của Bát chánh đạo, cũng là tâm sở tầm) luôn phải sinh khởi cùng với chánh kiến.


In Topic: Thiền và quan sát

24 June 2014 - 05:03 AM

Sarah:            Tôi nghĩ bạn (HV12) đồng ý rằng chỉ có các thực tại chân đế, vậy thì thực tại chân đế của cái mà chúng ta gọi là quan sát đó là gì nào? Chẳng hạn khi bạn nói quan sát đối tượng thị giác, nhãn thức, và nhãn căn, thì cái mà bạn gọi là quan sát đó là thực tại nào?

Bởi vì khi chúng ta nói đến thực tại hiểu, ta nói đến trí tuệ, khi nói đến thực tại hay biết, ta nói đến chánh niệm, chúng đều là các pháp hữu vi, sinh khởi do duyên. Khi chúng ta nói đến nói đến giấc mơ trong đó có thể có bất cứ cái gì, thực tại của nó là suy nghĩ. Vì vậy tôi hỏi bạn về sự khác biệt giữa quan sát và suy nghĩ.

 

HV 12:           Con hiểu về quan sát là tại khoảnh khắc mà có cái thấy sinh khởi, ngay lập tức có cái nhớ đến những hiểu biết về cái được nghe và được đọc về đối tượng thị giác, nhãn thức. Nhưng cũng ngay lập tức biết đó là cái cốc hay cái chai, và cũng hiểu đó là sản phẩm của tâm sở tưởng.

 

Sarah:            Vậy cái đó chỉ là suy nghĩ mà thôi. Và dù chúng ta gọi đó là suy nghĩ hay quan sát hay bất cứ cái gì khác, bất kể nghĩ về những thứ lạ kỳ như là trong một giấc mơ hay nghĩ về những thứ mà chúng ta đã được nghe như về nhãn căn và về đối tượng thị giác chẳng hạn, thực tại có thể được biết ở khoảnh khắc ấy chính là suy nghĩ. Nhưng  khái niệm mà suy nghĩ nghĩ về thì không phải là thực. Vậy thì những thứ lạ kỳ mà chúng ta nghĩ đến trong một giấc mơ, hay khi chúng ta ngồi trên tọa cụ thiền, hay những ý niệm về con người và đồ vật hiện giờ, hay những câu chuyện về thực tại  đều là các khái niệm, chúng không phải là thực và không phải là đối tượng của Trí tuệ. Cái duy nhất có thể được hiểu chỉ là những thực tại hiện giờ đang xuất hiện mà thôi. Ví dụ như: nghĩ, thích, không thích, cái thấy, đối tượng thị giác v.v.

 

HV 12:           Đối tượng thị giác hay nhãn thức không dễ để kinh nghiệm trực tiếp, ngay sau khi nhãn thức sinh khởi thì suy nghĩ về sự hiểu biết về mặt lý thuyết, ngay sau đấy lại là cái biết về cái khái niệm, ngay sau đấy thì lại là một suy nghĩ về sự hiểu biết về mặt lý thuyết rằng cái cốc hay cái chai thì chỉ là kết quả của tâm sở tưởng nó làm cái chức năng của nó mà thôi.

 

Jonathan:     Tôi nghĩ rằng có sự khác biệt giữa việc hiểu đúng về những gì chúng ta đã được nghe và ý niệm rằng có một ai đấy có thể theo một số bước thực hành nào đấy để cho trí tuệ sinh khởi. Khi chúng ta nghe về Giáo lý và chúng ta thảo luận về cái thấy, về đối tượng thị giác chẳng hạn, có thể có sự suy xét về điều được nói đến xem nó là gì ở khoảnh khắc hiện tại. Khi ấy, có thể có cái hiểu ở mức độ tư duy về thực tại đó.  Nhưng nếu ta cho rằng nghĩ theo một cách cụ thể nào đó sẽ có thêm hiểu biết, suy nghĩ ấy bị thúc đẩy bởi ý niệm muốn có thêm chánh niệm. Điều ấy hoàn toàn khác với sự suy xét tự nhiên sinh khởi cùng hiểu biết đúng đắn về những gì được nghe.

 

 HV 12:          Con đã thực hành theo cách là những gì mà nó sinh khởi tại một khoảnh khắc đấy thì con xem xét trên nhiều góc độ, cùng một khoảnh khắc đấy thì có thể xem xét ở góc độ nội xứ hoặc ngoại xứ, hoặc ngũ uẩn, hoặc các giới.

 

Sarah:            Bất cứ khi nào có sự cố gắng làm một cái gì đó, dù là đang ngồi tọa thiền và cố gắng tập trung vào một đối tượng, hay cố gắng nghĩ đến những kinh nghiệm theo nội xứ hay ngoại xứ, hay cố gắng tìm hiểu câu chuyện về các thực tại… đều là một dạng của giới cấm thủ. Bởi vì khi ấy nó bị thúc đẩy bởi một ý niệm có một ai đó đang cố gắng làm một cái gì đấy, chứ không phải là cái hiểu về cái đã được tạo duyên hiện giờ, chẳng hạn như suy nghĩ, là vô ngã mà thôi.

 

HV 12:           Sao cô nghĩ rằng có ai đó cố gắng làm gì đấy? Có thể cũng có khi cái tâm tự nó làm công việc của nó và tại khoảnh khắc ấy, cũng không có ý niệm về ai đó làm cái gì đó sinh khởi.

 

Sarah:            Bởi vì bạn đã mô tả cái xảy ra và cuối cùng bạn có nói đây chính là cái cách mà tôi đã làm.

.....

Tôi muốn nói thêm một chút về quan sát. Như chúng ta đã đề cập, mặc dù không cố ý làm gì đặc biệt, và rất tự nhiên, nhưng khi có sự suy xét lặp đi lặp lại, trí tuệ có thể sinh khởi về sau. Nhưng khi có ý niệm là có cái gì đấy để làm, thì lại chứng tỏ không có hiểu biết đúng về thực tại là vô ngã. Khi đó có ý niệm về một cái ngã có thể chủ động làm để đi đến kết quả, và như vậy sẽ không thể dẫn tới hiểu biết. Vì vậy, hiểu biết đúng phải có mặt trước tiên. Bất cứ sự phát triển tâm trí nào đều bắt đầu với hiểu biết đúng, chứ không phải là làm một cái gì đó với suy nghĩ rằng nó sẽ đem tới hiểu biết đúng.


In Topic: Thiền và quan sát

24 June 2014 - 04:58 AM

Achaan:         Có sự khác biệt nào giữa quan sát và hiểu không? Bất kỳ ai chưa có hiểu biết thì vẫn có thể cố gắng quan sát, nhưng liệu khi ấy có hiểu biết đúng về cái đang sinh khởi hay không? Nếu ta không biết chút nào về Giáo lý, liệu ta có thể quan sát gì hiện giờ không? Nếu như thiền có nghĩa là quan sát thì nó quan sát gì đây? Hiện giờ đây, nó quan sát gì? Hiện giờ chúng ta đang ngồi, cái gì có thể là đối tượng của sự quan sát đây? Sẽ quan sát gì nếu như chúng ta cho rằng thiền có nghĩa là quan sát? Hãy nói với người khác “bây giờ bạn hãy quan sát!”. Liệu bạn có thể quan sát khi người khác khuyên bạn hãy quan sát đi không? Tôi thực sự không biết đối tượng của quan sát đó là gì? Chẳng hạn như hiện giờ có sự xúc chạm, ở khoảnh khắc của sự xúc chạm, chỉ có cái cứng hoặc mềm, nóng hoặc lạnh xuất hiện mà thôi, và thông thường không có hiểu biết gì về những thực tại ấy, mà luôn có ý niệm rằng cái được chạm là một cái gì đó. Vậy thì nghĩa của từ quan sát là gì? Đối tượng của thiền là gì, những đối tượng có thể được quan sát ấy. Đối với tôi điều ấy rất mù mờ, không rõ ràng. Nghe như là ta đang làm một cái gì đó, ta đang quan sát, nhưng quan sát gì nhỉ? Tôi muốn nghe câu trả lời.

 

Học viên 12: Đối tượng bây giờ nó có thể là một số thứ.

 

 

Achaan:         Chỉ một đối tượng thôi.

 

HV 12:           Thân thức.

 

Achaan:         Vậy thì thân thức là gì?

 

HV 12:           Thân thức là một citta- tâm

 

Achaan:         Ở khoảnh khắc quan sát thân thức, bạn làm gì? Bạn gọi (đặt tên) đó là thân thức hay là thế nào?

 

HV 12:           Khi đọc Giáo lý thì tại khoảnh khắc kinh nghiệm đối tượng qua thân căn thì khi đấy sẽ có thân thức sinh khởi.

 

Achaan:         Đó là kiến thức nhờ nghe, thế còn hiện giờ, chính hiện giờ đây thì tâm nào đang có ở đó? Đặc tính của tâm hiện giờ là gì? Hiện giờ có tâm, vậy đặc tính của tâm là gì để có thể được biết là không phải là tự ngã?

 

HV 12:           Citta kinh nghiệm một đối tượng.

 

Achaan:         Ở khoảnh khắc này đang có sự quan sát tâm, hay là đang có sự bắt đầu của  hiểu biết rằng tâm là cái kinh nghiệm một đối tượng, chứ không phải là một ai đang kinh nghiệm? Vậy thì quan sát là gì? Và hiểu là gì?

 

HV 12:           Ở một chừng mực nào đấy, thì rõ ràng có thể thấy được sự khác biệt giữa cái cứng, cái thân căn và cái thân thức.

 

Achaan:         Khoảnh khắc của cái thấy hiện giờ, cái gì có thể được hiểu?

 

HV 12:           Tại khoảnh khắc của cái thấy thì có thể là có cái hiểu rằng đối tượng thị giác và nhãn căn thì làm duyên cho nhãn thức sinh khởi, cả ba cái yếu tố ấy đều chỉ là vô ngã mà thôi.

 

Jonathan:     Nếu quan sát là quan sát một đối tượng, một sắc hay danh mà ta đã chọn thì đâu là sự khác biệt giữa sự quan sát với hiểu biết đúng và sự quan sát không có hiểu biết đúng?


In Topic: Làm thế nào để phân biệt được đâu...

21 June 2014 - 02:06 AM

Rồi Thế Tôn, thời ấy nói lên cảm hứng ngữ như sau:

Không bệnh, lợi tối thắng, 
Niết-bàn, lạc tối thắng, 
Bát chánh là độc đạo, 
An ổn và bất tử.

Khi được nghe vậy, du sĩ Magandiya bạch Thế Tôn:

-- Thật hy hữu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Lời này được Tôn giả Gotama khéo nói:

Không bệnh, lợi tối thắng,
Niết-bàn, lạc tối thắng.

Con cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama, con cũng đã được nghe lời này, do các vị Tôn sư, đại Tôn sư các du sĩ đã nói:

Không bệnh, lợi tối thắng, 
Niết-bàn, lạc tối thắng.

Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, lời nói này lời nói kia phù hợp nhau.

-- Nhưng này Magandiya, điều mà Ông đã được nghe do các vị Tôn sư, đại Tôn sư các du sĩ đã nói:

Không bệnh, lợi tối thắng, 
Niết-bàn, lạc tối thắng.

Thế nào là không bệnh? Thế nào là Niết-bàn?

Khi được nói vậy, du sĩ Magandiya, tự lấy tay xoa bóp chân tay của mình và nói:

-- Thế nào là không bệnh, thưa Tôn giả Gotama? Thế nào là Niết-bàn, thưa Tôn giả Gotama? Tôi nay không bệnh, an lạc, không có bệnh tật gì ở tôi.

-- Này Magandiya, ví như người sanh ra đã mù, không thấy sắc đen hay sắc trắng, không thấy sắc xanh, không thấy sắc vàng, không thấy sắc đỏ, không thấy sắc đỏ tía, không thấy cái gì thăng bằng, không thăng bằng, không thấy các vì sao, không thấy mặt trăng, mặt trời. Người ấy nghe một người có mắt nói như sau: "Thật tốt đẹp thay tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh". Và người ấy tìm tấm vải trắng. Rồi có một người khác đánh lừa người ấy với một tấm y thô, dính dầu và đất và nói: "Này bạn, đây là tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh cho bạn". Người ấy lấy tấm y ấy, sau khi lấy, đắp trên mình. Sau khi đắp trên mình, người ấy hoan hỷ thốt lên lời nói tự mãn: "Thật tốt đẹp thay tấm vải trắng xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh". Này Magandiya, Ông nghĩ thế nào? Kẻ sanh ra đã mù kia, do biết, do thấy, lấy tấm y thô, dính dầu và đất ấy để rồi sau khi lấy người ấy đắp trên mình, sau khi đắp trên mình; người ấy hoan hỷ thốt lên lời nói tự mãn: "Thật tốt đẹp thay, tấm vải trắng xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh, hay là do lòng tin người có mắt?

-- Thưa Tôn giả Gotama, do không biết, không thấy, kẻ sanh ra đã mù kia lấy tấm y thô, dính dầu và đất ấy để rồi sau khi lấy, người ấy đắp trên mình, sau khi đắp trên mình, người ấy hoan hỷ thốt lên lời nói tự mãn: "Thật tốt đẹp thay tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh" là do lòng tin người có mắt.

-- Cũng vậy, này Magandiya, các du sĩ mù lòa, không có mắt, không biết không bệnh, không thấy Niết-bàn nhưng nói lên câu kệ này:

Không bệnh, lợi tối thắng, 
Niết-bàn, lạc tối thắng.

Này Magandiya, câu kệ này trong thời quá khứ đã được các bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nói lên:

Không bệnh, lợi tối thắng, 
Niết-bàn, lạc tối thắng. 
Bát chánh là độc đạo, 
An ổn và bất tử.

Và câu kệ ấy này được dần dần lan tràn đến dân chúng phàm phu. Nhưng này Magandiya, thân này trở thành bệnh khổ, trở thành cục bướu, trở thành mũi tên, trở thành bất hạnh, trở thành bệnh chướng và với thân trở thành bệnh khổ, trở thành cục bướu, trở thành mũi tên, trở thành bất hạnh, trở thành bệnh chướng này, Ông nói: "Thưa Tôn giả Gotama, cái này là không bệnh ấy, cái này là Niết-bàn ấy". Như vậy, này Magandiya, Ông không có Thánh nhãn ấy, với Thánh nhãn ấy Ông có thể biết không bệnh, có thể thấy Niết-bàn.

-- Con có lòng tin Tôn giả Gotama như sau: "Tôn giả Gotama có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể biết không bệnh, có thể thấy Niết-bàn".

-- Này Magandiya, ví như người sanh ra đã mù, không thấy sắc đen hay sắc trắng, không thấy sắc xanh, không thấy sắc vàng, không thấy sắc đỏ, không thấy sắc đỏ tía, không thấy cái gì thăng bằng, không thăng bằng, không thấy các vì sao, không thấy mặt trăng, mặt trời. Các bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ. Vị y sĩ khoa mổ xẻ này cho người ấy thuốc. Người ấy sau khi dùng thuốc, mắt không khởi lên, mắt không được sáng tỏ. Này Magandiya, Ông nghĩ thế nào? Có phải vị thầy thuốc ấy cảm thấy mệt mỏi, phiền não không?

-- Thưa vâng, Tôn giả Gotama.

-- Cũng vậy, này Magandiya, nếu Ta thuyết pháp cho Ông: "Ðây là không bệnh ấy, đây là Niết-bàn ấy", và Ông không biết không bệnh, không biết Niết-bàn thời như vậy làm Ta mệt mỏi, làm Ta phiền não.

-- Con có lòng tin Tôn giả Gotama như sau: "Tôn giả Gotama có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể biết không bệnh, có thể thấy Niết-bàn".

-- Này Magandiya, ví như người sanh ra đã mù, không thấy sắc đen hay sắc trắng, không thấy sắc xanh, không thấy sắc vàng, không thấy sắc đỏ, không thấy sắc đỏ tía, không thấy cái gì thăng bằng, không thăng bằng, không thấy các vì sao, không thấy mặt trăng, mặt trời. Người ấy nghe một người có mắt nói như sau: "Thật tốt đẹp thay tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh", và người ấy đi tìm tấm vải trắng. Rồi có một người khác đánh lừa người ấy với một tấm y thô, dính dầu và đất và nói: "Này bạn, đây là tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh cho bạn". Người ấy lấy tấm y ấy. Sau khi lấy, người ấy đắp trên mình, sau khi đắp trên mình người ấy, các bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ. Vị y sĩ khao mổ xẻ này cho người ấy thuốc bài tiết các nhơ bẩn về phía trên, bài tiết các nhơ bẩn về phía dưới, xức thuốc mắt, thoa dầu cho mắt, cho thuốc qua lỗ mũi. Người ấy sau khi dùng thuốc, mắt được khởi lên, mắt được sáng tỏ. Với mắt được khởi lên, người ấy đoạn trừ tham dục đối với tấm y thô, dính dầu và dính đất kia, và người ấy có thể xem người kia là không phải bạn, có thể xem người kia là thù địch và nghĩ đến sát hại sinh mạng (của người kia): "Thật sự trong một thời gian dài, Ta bị người này lường gạt, lừa dối, phỉnh gạt với tấm y thô, dính dầu và đất: "Này bạn, đây là tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh cho bạn".

Cũng vậy, này Magandiya, nếu Ta thuyết pháp cho Ông: "Ðây là không bệnh ấy, đây là Niết-bàn ấy", Ông có thể biết không bệnh, Ông có thể thấy Niết-bàn. Và với mắt được khởi lên cho Ông, lòng tham dục đối với năm thủ uẩn được đoạn trừ; và Ông có thể nghĩ như sau: "Thật sự trong một thời gian dài, ta bị tâm này lường gạt, lừa dối, phỉnh gạt, chấp thủ sắc, ta đã chấp thủ, chấp thủ thọ, ta đã chấp thủ, chấp thủ tưởng, ta đã chấp thủ, chấp thủ các hành, ta đã chấp thủ, chấp thủ thức, ta đã chấp thủ. Do duyên chấp thủ ấy nơi ta, nên có hữu; do duyên hữu, có sanh; do duyên sanh, có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ Khổ uẩn".

-- Con có lòng tin Tôn giả Gotama như sau: "Tôn giả Gotama có thể thuyết pháp cho ta khiến ta có thể từ chỗ ngồi này đứng dậy, không còn mù nữa".

-- Vậy này Magandiya, hãy thân cận các vị chân nhân. Này Magandiya, do Ông thân cận các vị chân nhân, thời này Magandiya, Ông sẽ được nghe diệu pháp. Này Magandiya, do Ông được nghe diệu pháp, thời này Magandiya, Ông sẽ sống đúng với Chánh pháp và tùy pháp. Này Magandiya, do Ông sống đúng với Chánh pháp và tùy pháp, thời này Magandiya, Ông sẽ tự mình biết, tự mình thấy: "Ðây là những bệnh chướng, những cục bướu, những mũi tên. Ở đây, những bệnh chướng, những cục bướu, những mũi tên được trừ diệt, không có dư tàn. Do chấp thủ được diệt ở ta, nên hữu diệt; do hữu diệt, sanh diệt; do sanh diệt, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được diệt trừ. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này".

http://www.budsas.or...gbo/trung75.htm


In Topic: Chánh kiến và Bát chánh đạo

20 June 2014 - 02:47 AM

Học viên 2:    Nếu chánh kiến sinh khởi thì có tất cả chi của Bát chánh đạo đi kèm, thế thì Đức Phật phải dạy 8 chi làm gì? Tại sao không gọi là Nhất chánh đạo, học một thứ thôi cho đơn giản.

 

Achaan:         Liệu chánh kiến có thể sinh khởi một mình không?

 

Jonathan:     Nó được gọi là Bát chánh đạo bởi vì khi tâm đạo sinh khởi thì ở đó có tám chi, chứ không phải bởi vì ở đó có tám thứ phải làm. Khi chúng ta nói rằng bất cứ khi nào có chánh kiến thì đã có chánh tinh tấn ở đó rồi, thì ý ở đây là: không cần phải phát triển chánh tinh tấn như là một thứ riêng rẽ với chánh kiến. Khi ấy, chúng ta hiểu rằng con đường Bát chánh đạo về thực chất chỉ là một khoảnh khắc của tâm sinh khởi, trong đó có những tâm sở bao gồm trí tuệ, tinh tấn cùng những chi khác.

 

Sarah:            Và vì chánh kiến không thể sinh khởi và đảm nhận chức năng của mình mà không có sự hỗ trợ của các chi kia.

 

Achaan:         Khi có chánh kiến, nó hiểu về vô ngã. Các thực tại không thể sinh khởi một mình mà cần các thực tại khác trợ duyên cho nó sinh khởi. Có nhiều hơn là bảy tâm sở sinh khởi cùng với trí tuệ nhưng những tâm sở kia không được tính là các chi của Bát chánh đạo. Từ  Đạo có nghĩa là gì?

 

 

HV 2:             Là con đường.

 

Achaan:         Dẫn tới đâu?

 

HV 2:             Đạo là con đường dẫn đến sự diệt khổ.

 

Achaan:         Thế có thể đi trên con đường đó mà không hiểu gì cả không?

 

HV 2:             Không thể.

 

Học viên 12: Phát triển con đường Bát chánh đạo là phát triển dần dần, Vậy có phải là bất cứ khi nào có duyên để phát triển một trong các yếu tố đó, thì mình sẽ phát triển cái yếu tố đó, có phải không?

 

Achaan:         Đối tượng của Bát chánh đạo là gì?

 

HV 12:           Niết bàn.

 

Achaan:         Tứ diệu đế không chỉ có một mà thôi. Niết bàn là diệu đế thứ mấy? Trước đó thì là gì nào?

 

 

Học viên 2:   Trước đó là nguyên nhân về khổ.

 

Học viên 12: Là sự thật về khổ.

 

Achaan:         Thế nào là khổ?

 

HV 12:           Theo con hiểu chấp thủ vào ngũ uẩn là khổ. Con muốn Bà giải thích về khổ theo nghĩa chấp thủ vào ngũ uẩn là khổ, như thế nào là sự hiểu biết đúng về những điều Đức Phật dạy trong kinh về 11 yếu tố mà Đức Phật dạy là khổ như sinh, già, bệnh, chết…

 

Sarah:            Tôi nghĩ rằng cả hai bạn đều chưa trả lời vào câu hỏi của Achaan về đối tượng của con đường đạo là gì, khi con đường đạo đang được phát triển thì đâu là đối tượng của con đường đạo? Câu trả lời cho câu hỏi này là tất cả các thực tại hữu vi đều là đối tượng của con đường Bát chánh đạo trước khi diệu đế thứ ba được chứng ngộ (Diệt đế hay Niết bàn).

 

Achaan:         Theo nghĩa tuyệt đối thì thế nào là dukkha?

 

HV 12:           Do sự sinh và diệt của mọi pháp.

 

HV 2:             Tôi không nghĩ vậy, tôi nghĩ bản thân sự sinh diệt của pháp không có vấn đề gì cả mà tà kiến về cái sinh và diệt đó mới dẫn đến khổ.

 

Achaan:         Chúng tôi nghĩ rằng, điểm này cần phải được làm rõ, bây giờ bạn hãy nói đến từng cái khổ mà bạn vừa kể đến, từng cái một.

 

HV 12:           Khi nói khổ là bởi vì mọi thứ đều sinh và diệt nên nó khổ. Với con, điều đó dường như chỉ là suy nghĩ về mặt logic thôi.

 

Achaan:         Nếu như không có sự sinh khởi thì có thể có sự diệt đi của thực tại không?

 

HV 12:           Nếu nó không sinh thì  không có diệt và cũng không có khổ.

 

Achaan:         Tại sao các vị tỳ kheo ở thời Đức Phật đã xuất gia chỉ để thấy Khổ?

 

 

HV 12:           Bởi vì Đức Phật đã nói ngũ uẩn thủ là Khổ.

 

Achaan:         Một thực tại sinh và rồi lại diệt đi hoàn toàn không bao giờ trở lại, cứ như vậy thì cái đó không phải là khổ hay sao?

 

HV 12:           Có những khi rất chánh niệm và thấy mọi thứ nó sinh và diệt rất là nhiều thì khi đấy thấy rất mệt và lúc đó đúng là thấy rất là khổ.

 

Sarah:            Có phải ý của bạn là nó chỉ khổ khi nó được hiểu là nó sinh và diệt thôi hay sao? Chẳng hạn như hiện giờ đang có cái cứng, nó đang sinh và diệt nhưng không có cái hiểu về điều đó thì có khổ không?

 

 

Achaan:         Khi bạn nói như vậy là bạn khổ thôi, chứ không phải là cái hiểu của tuệ giác về khổ, đó không phải là cái hiểu của panna. Bạn cho cảm thọ khổ đó là diệu đế hay sao?

 

HV 12:           Không ạ.

 

Achaan:         Chỉ có tuệ giác khi hiểu được sự sinh diệt của thực tại thì nó hiểu về khổ, còn khi có ý niệm là mình khổ thì khi đó chỉ là thọ khổ thôi chứ không phải là cái hiểu trực tiếp về sự sinh diệt của thực tại.

 

 

Sarah:            Liệu Tuệ giác có mệt khi nó hiểu thực tại hay nó hiểu về sự sinh diệt của thực tại hay không?

 

HV 12:           Không.

 

Achaan:         Vậy thì đó không phải là panna. Chỉ có tuệ giác mới có thể thấy được sự sinh và diệt, cho nên cái mà bạn gọi là sự sinh diệt đó không phải là sự sinh diệt của thực tại, cái chỉ xảy ra một cái ở một thời điểm. Nếu trí tuệ mệt thì chúng ta có nên có trí tuệ không?