Học viên 18: Con có đọc những bài viết của Achaan và con thấy có lợi lạc hơn cho sự hiểu biết. Con nghe một số bạn tham dự pháp đàm tại Sài Gòn nói lại là Achaan nói không phải ngồi thiền, con nghĩ điều này chắc là họ đã hiểu sai. Theo con hiểu thì Bà nhấn mạnh vào việc phải có cái hiểu biết đúng bất cứ khi nào hay đang làm việc gì, chứ không phải bà nói rằng không nên ngồi thiền. Con hiểu như thế có đúng không?
Sarah: Khi chúng ta nói đến ngồi thiền, thì về mặt thực tại nó là gì? Hiện giờ chúng ta cũng đang ngồi, và đang nghe Pháp. Đó có phải là ngồi thiền không?
HV 18: Thực tại của ngồi thiền là những nhận thức về những gì đang xảy ra xung quanh nhưng như nó là. Nó không có ý tưởng thêm bớt vào mà mình chỉ thấy giây phút hiện tại mình đang có cái nghe, cái thấy, đang có sự hiểu, và thậm chí những tà kiến hiện lên trong tâm thì mình cũng thấy đang sinh khởi trong tâm.
Sarah: Như chúng ta đã nói, ở mỗi một khoảnh khắc có một tâm kinh nghiệm một đối tượng. Những tâm đã sinh khởi và diệt đi rồi thì đã hoàn toàn biến mất, không bao giờ trở lại. Một tâm thấy hay nghe trong tương lại chưa sinh khởi thì vẫn chưa sinh khởi, như vậy chỉ có khoảnh khắc của thực tại hiện giờ mới có thể được hiểu, đúng không?
Như vậy, cái mà chúng ta gọi trong tiếng Pali là bhavana - sự phát triển tâm trí - chỉ có thể diễn ra bây giờ, bất kể chúng ta đang ngồi ở tư thế nào, bạn có đồng ý với điều này không? Sáng nay, chúng ta có nói rằng chỉ có hai loại thực tại, một là thực tại kinh nghiệm đối tượng và một thực tại không kinh nghiệm gì cả nhưng được kinh nghiệm, chẳng hạn cái thấy kinh nghiệm đối tượng thị giác, cái nghe kinh nghiệm âm thanh, và sau đó thì có suy nghĩ về cái được thấy và cái được nghe, tất cả diễn ra một cách nhanh chóng. Thông thường, luôn có cái thấy, cái nghe và suy nghĩ trong suốt cả ngày nhưng chúng ta không có hiểu biết đúng về những thực tại ấy. Khi chúng ta thảo luận về những chủ đề này, có thể có thêm một chút hiểu biết sáng rõ hơn về đặc tính của các thực tại kinh nghiệm một cái gì đó và đặc tính của các thực tại không kinh nghiệm gì cả. Như vậy, chúng ta có thể thấy được rằng, không có gì có thể làm công việc quan sát, hay biết hay ngăn chặn những thực tại đang sinh khởi. Như vậy, cái gọi là bhavana mà Đức Phật đã dạy, theo cái hiểu của tôi, phải luôn bắt đầu với hiểu biết rằng tất cả các pháp đều là vô ngã. Như vậy, ý niệm về một sự quan sát chủ động nhiều khoảnh khắc tâm liên tiếp, hay ghi nhận sự sinh diệt v.v… không phải là bhavana theo nghĩa mà Đức Phật đã dạy, vì đằng sau nó có ý niệm về một tự ngã có thể làm công việc ấy một cách chủ động. Cái gọi là bhavana- sự phát triển tâm trí - luôn luôn là trong chính khoảnh khắc này, không phải là một nơi nào khác hay lúc nào khác, không phải là việc cố làm một cái gì đấy, hay trong một tư thế nào đấy.